Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nếu cả hai hiệp định EVFTA và CPTPP đồng thời được đưa vào thực thi trong năm 2019, sẽ có tác động tương đối lớn tới sự phát triển của ngành gỗ xuất khẩu (XK) Việt Nam. Gỗ “Made in Vietnam” sẽ được tiếp cận thị trường EU – một trong những thị trường chủ chốt, và các thị trường mới với mức thuế ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh.
5 giá trị cốt lõi và cơ hội mới cho sản phẩm gỗ Việt Nam
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá, với chất lượng đã được khẳng định, mức thuế ưu đãi này sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam có được nhiều đơn hàng hơn. Đặc biệt, nếu ngành gỗ quyết tâm nói không với gỗ bất hợp pháp, thực hiện nghiêm túc Hiệp định FLEGT vừa ký với EU, đồng hành cùng người tiêu dùng trong chiến dịch bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững, cơ hội thị trường sẽ còn lớn hơn nữa. Bên cạnh thu hút đầu tư, EVFTA/CPTPP cũng sẽ giúp các DN sản xuất thay đổi định hướng cơ cấu thị trường XK trong thời gian tới. Bởi, EVFTA/CPTPP sẽ mở đường cho sản phẩm Việt Nam hiện diện sâu vào những thị trường tham gia hiệp định như Canada, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Mexico, Chile…
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cũng nhìn nhận lạc quan về nội lực công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Việt Nam sẽ nỗ lực trong 7-8 năm nữa trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về XK đồ nội thất, chỉ sau Trung Quốc. Đặc biệt trong bối cảnh ngành gỗ Trung Quốc vốn không còn được chính phủ chủ trương ưu ái phát triển, lại vướng những rào cản thương mại từ thị trường Mỹ leo thang, quốc gia đứng đầu XK sản phẩm gỗ thế giới đang chuyển dần lợi thế sang Việt Nam. “Tuy nhiên, cũng cần cảnh báo về vấn đề “rửa” xuất xứ hàng hóa để các DN nước ngoài, gây ảnh hưởng không tốt cho hình ảnh của Việt Nam” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu ý kiến.
Ông Tim Liston – Phó Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam – cho biết, chỉ cần nắm được các nguyên tắc khi làm ăn tại thị trường Mỹ, DN Việt Nam nói chung và DN chế biến gỗ nói riêng chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế bởi, Việt Nam còn có thế mạnh đến từ các hiệp định thương mại của khu vực. Mỹ đang mở rộng cửa cho DN Việt Nam vào thị trường. Cũng theo ông Tim Liston, khả năng chế tác thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ của Việt Nam đã được ghi nhận. Bằng chứng là đồ nội thất “Made in Vietnam” dưới thương hiệu danh giá của các hãng nổi tiếng đã có mặt khắp thế giới. Thậm chí, phân khúc cao cấp nhất, cung cấp sản phẩm cho các công trình đẳng cấp của quốc tế, DN gỗ Việt Nam cũng đã tham gia.
5 giá trị cốt lõi và định hướng mang tên World Furniture Center
Xét trên 5 định hướng giá trị cốt lõi để xây dựng một quốc gia phát triển mạnh về công nghiệp đồ gỗ bao gồm: Sản phẩm; công nghệ; thiết kế; thương hiệu và tính bền vững, thì Việt Nam đang có 3 lợi thế hết sức ấn tượng: Nhân lực khéo tay với khả năng tiếp nhận công nghệ nhanh nhạy; nguồn nguyên liệu bản địa và chính sách phát triển nguồn nguyên liệu đã được nhà nước xác định; có chiến lược phát triển bền vững hướng đến môi trường. Khai thác 5 yếu tố cốt lõi, ngành chế biến gỗ Việt Nam cần xây dựng được thị trường thiết kế và thương hiệu quốc gia cho ngành và hiện nay các DN trong ngành cũng đã bắt đầu hướng đến việc xây dựng 2 giá trị này để DN đạt đến giá trị thặng dư cao hơn.
Các DN cũng rất quan tâm đến những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh hiện tại cũng như tương lai sắp đến. Cụ thể là bối cảnh thương mại Mỹ – Trung cũng như EVFTA/CPTPP. Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HAWA – cho biết, với ngành gỗ, sẽ là câu chuyện thay đổi mạnh mẽ, bắt đầu từ sự dịch chuyển sản xuất từ các nước đến Việt Nam. Những lực đẩy từ nhu cầu thế giới sẽ sớm đòi hỏi ngành chế biến gỗ Việt Nam phải phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu mới của thế giới. Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, nếu như tổng giá trị trong chuỗi sản xuất đồ gỗ trên thế giới là khoảng 140 tỉ USD thì giá trị hàng hóa tiêu dùng của người sử dụng hơn 450 tỉ USD, bao gồm giá trị của thương mại, thiết kế, phân phối, thương hiệu. Ông tư vấn: “Nếu chúng ta định hướng lại câu chuyện của ngành chế biến gỗ theo con số 450 tỉ USD, tham gia cả khâu thiết kế, thương hiệu, thương mại, phân phối… thì rõ ràng, giá trị mà Việt Nam nhận được so với hiện tại sẽ là rất lớn. Việt Nam nên tận dụng các lợi thế hội tụ hiện nay để sớm hình thành một Trung tâm đồ nội thất thế giới tại đây. Định hướng này sẽ là tầm nhìn mang tính quốc gia cho ngành gỗ.
(Nguồn: Báo lao động)